Những Quan điểm đánh giá lịch vạn niên
Thuật chiêm tinh chọn ngày, chọn giờ đáng tin hay không đáng tin?
Khoa học hay nhảm nhí? Thiết tưởng trả lời những vấn đề này cho thấu tình đạt lý e còn quá sớm!
Vận dụng quan điểm lịch sử và kiến thức khoa học hiện đại soi chiếu vào thuật chiêm tinh.
Thuật chiêm tinh với nhiều thuyết chồng chéo lên nhau qua nhiều thời kỳ nên cũng đã có nhiều bước thăng trầm: nhiều tà thuyết đã từng bị triệt tiêu. khi ánh sáng khoa học soi rọi vào, thì những hủ tục lạc hậu, tự thân nó đã bị tiêu huỷ.
Thí dụ: Thời xưa trong dân gian chưa biết nguyên do vì sao mặt trời ăn mặt trăng, người ta cho là gấu ăn trăng, từng vùng rộng lớn người ta phải khua chiêng đánh trống, đạp thùng gõ mõ làm huyên náo, inh ỏi lên để đuổi gấu. Sau một hồi lâu trăng sáng trở lại, tức là người ta tin rằng đã đuổi được gấu. Ngày nay khoa học đã dự báo chính xác từng giờ, từng phú có nhật thực, Nguyệt thực, thì tập tục gõ thùng tự nhiên biến mất không ai còn nhắc đến nữa.
Vạn vật biến chuyển, không có cái gì đứng nguyên tại chỗ: Thời xưa khắp nơi người ta xem ngày, xem giờ thời nay cũng còn xem ngày, xem giờ nhưng không lan tràn như trước. Thời xưa đi tắm, cắt tóc xem ngày, đi chữa bệnh cũng xem ngày, mua lợn, lót ổ cho gà đẻ cũng xem ngày, thậm chí đàn ông vào buồng ngủ với vợ cũng xem ngày. Bây giờ giá phỏng bạn có tuyên truyền cho lớp trẻ, cẩn thận xem đêm nào giờ tốt hãy nhập phòng, chắc chắn chỉ được trả lời bằng nụ cười chế diễu. Ngày xưa có thuyết nam nữ hợp mệnh. Trai tuổi gì lấy gái tuổi gì cho hợp, tuổi gì thì xung khắc vì ngày xưa hôn nhân gán ép, có những đôi vợ chồng, trước khi cưới chưa biết mặt nhau. Thời nay trai gái yêu nhau tha thiết, đã tìm hiểu đến “ngọn nguồn lạch sông”, sắp làm lễ thành hôn mà thầy bói còn bảo: “hai tuổi không hợp nhau” thì thật là tai hại, nói u ơ chạm phải cái tội chia uyên rẽ thuý, tức là làm điều thất đức. Thời xưa, trong thuật chiêm tinh còn kết hợp chọn ngày với chọn hướng, nhất là xây dựng nhà cửa, mồ mả và xuất hành, thời nay sống ở thành thị, đất nước đang dần dần công nghiệp hoá, không thể cá nhân nào muốn hướng nào cũng được. Vì vậy, vận dụng phong tục cổ không thể cứ “ xưa sao nay vậy”.
Tất cả những gì mắt ta không trông thấy, tai ta không nghe thấy, tay ta không sờ được, đều nằm trong vòng hoang tưởng. Nhưng có những điều xưa kia bị xếp ào hoang tưởng, ngày nay ứng dụng trong thực tế. Thí dụ: làn sóng điện vô tuyến, sức hút của mặt trăng, tia bức xạ của mặt trời từng giờ từng phút tác động đến cơ thể con người và mọi sinh vật trên trái đất. Có những điều tuy chưa được phổ biến ứng dụng trong thực tế, nhưng đã có luận chứng khoa học soi tỏ. Thí dụ: Thần giao cách cảm, nhịp sinh học và vận hạn con người...dần dần sẽ giúp ngừi ta vén tấm màn huyền bí, dắt ta thoát khỏi vòng mê tín. Vươn cao hơn nữa, con người còn có thể bắt nhịp của các vị “thần sao” trên cung hoàng đạo phục vụ lại lợi ích con người. (Tân Việt).
A. Những quan điểm phản bác:
B. Vua Trần Minh Tông với việc chọn ngày làm lễ an táng mẹ
C. Năm 1332 Thuận thánh bảo từ Hoàng Thái Hậu mất. Con là Thượng Hoàng Minh Tông lúc đó đã nhường ngôi cho con là Hiển Tông. Thượng Hoàng sai các quan chọn ngày chôn cất. Có người tâu rằng: “Chôn cất năm nay tất hại người tế chủ”, Thượng Hoàng hỏi: “ ngươi biết là sang năm ta nhất định chết à”.
Người ấy trả lời là không biết. Thượng Hoàng hỏi lại: “ Nếu sang năm trở đi ta chắc chắn không chết thì hoãn việc chôn cất mẫu hậu cũng được, nếu sang năm ta chết thì lo xong việc chôn cất mẫu hậu chẳng hơn là chết mà chưa lo được việc đó ư? Lễ cát, lễ hung chọn ngày là vì coi trọng việc đó thôi, chứ đâu phải là câu nệ hoạ phúc như các nhà âm dương”.
Rốt cuộc vẫn cử hành lễ táng.
Lược trích bài: Người xưa phê phán thuật chọn ngày
Vương Sung đời nhà hán, người kế thừa tư tưởng duy vật của Tuân Huống- Hàn Phi, trong cuốn “Luận hành” kịch liệt phê phán tư tưởng mê tín kiêng kỵ và bác bỏ thuật chọn ngày tốt, ngày xấu . Ông công nhận làm việc phải chọn ngày, nhưng các thuật sĩ đề ra ngày tốt, ngày xấu có nhiều điều phi lý. Ông nêu lên một số thí dụ điển hình thịnh hành trong thời nhà Hán là mê tín vô căn cứ (về sau, nhà Thanh xét thấy nhiều tục dở nên đã bãi bỏ).
Thí dụ: ”Gội đầu ngày tý được nhiều người yêu, gội đầu ngày mão dễ bị bạc đầu...”. Thử hỏi ma lem xấu xí cứ gội đầu ngày tí xem có ai yêu không? Con gái xinh đẹp tuổi trăng tròn cứ gội đầu ngày mão xem có bac tóc không? May áo cũng chọn ngày. Cái ăn cái mặc là nhu cầu thiết thân của cơ thể. Vậy ăn có chọn ngày không? Tế tự chạm vào ngày Huyết kỵ, Nguyệt sát, tất gặp tai hoạ. Vương Sung phản bác cho rằng: Người ta “cảm vật tư thân” (cảm thấy vật mà nhớ người thân) cho nên cúng tế, “Sự tử như sự sinh” (thờ người chết cũng như thờ người sống).
Sở dĩ tế tự là để biểu lộ không quên ân đức tổ tiên. Vậy thì người sống ăn uống có chọn ngày đâu? Thần linh cũng cảm ứng như người sống sao phải chọn ngày? Nếu người chết không hay biết gì,không ăn uống được thì chọn ngày tốt tránh ngày xấu phỏng có ích gì? Làm nhà phải đào đất xây móng động chạm đến thổ thần long mạch, phải kiêng ngày “Thổ cấm, thổ kỵ..”. Nhu cầu thiết thân của con người là nơi ăn chốn ở, con người không hề có ác ý xúc phạm đến thổ thần, sao thổ thần nỡ gieo tai vạ. Cày bừa cũng chạm đến thần đất, cũng ngày đó “Thổ cấm, thổ kỵ...”.Sao thần đất lại không quở trách...
Lược trích lời Lư Tăng (đời nhà Đường) phê phán nhà cầm quyền không chăm lo chính sự, chỉ lo những việc mê tín.
...”Nước nhà thịnh thì nghe dân, nước nhà suy vong thì nghe thần. Hoạ phúc không tự chọn cửa vào, mà do người tự rước lấy. Người không gây hấn, thì yêu quái không tự tiện hành hung. Thịnh suy, được mất, đều là việc của người, dữ lành, nhầm lẫn không đổ tại thiên thời”.
...”Nếu chính sự tốt lành, hình ngục không quá lạm, thì nhân dân sống lâu; bớt phu dịch, sưu thuế, thì nhân dân no ấm; pháp lệnh rõ ràng, không sớm ban chiều đổi thì nước nhà ổn định; thưởng phạt đúng lúc thì binh lực hùng cường”.
...”Chiêu hiền đãi sĩ, không phải chọn ngày, án xử công minh, không cần bói toán. Thương người gian nan vất vả, quý kẻ có công lao thì không làm lễ cầu phúc vẫn được ban phúc. Đó chính là: Thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi không bằng nhân hoà.”
Lời bàn của Lưu Đạo Siêu: Việc nhà nước cũng vậy, việc nhân dân cũng vậy. Nếu chọn được ngày tốt dễ động thổ, nhưng ăn bớt nhân công, ăn cắp nguyên vật liệu, làm sao nhà vững được. Nếu chọn ngày thật tốt để mưu đồ phạm pháp , thì trời nào bảo đảm không sa lưới pháp luật.
Chuyện Tống Trung và Giả Nghi gặp Tư Mã Quý chủ:
“Sử ký- Nhật giả liệt truyện” kể rằng:
Trung đại phu tống trung và Bác sĩ giả Nghi là hai hiền sĩ có tiếng thời Lưỡng Hán. Một hôm, hai ông trên đường đi hóng mát, gặp Tư Mã Quý Chủ đang giảng giải cho học trò về đạo trời đất, về quy luật vận hành của mặt trời, mặt trăng và cội nguồn âm dương lành dữ. Nghe Quý Chủ biện luận rất tinh tường, hai ông bèn hỏi: “ Chúng tôi thấy ông diện mạo hiên ngang, ngôn từ thanh toát, quả là người hiếm có trên đời, cớ sao ông còn ở địa vị thấp hèn, kiếm sống bằng nghề hèn mọn này?”
Tư Mã Quý Chủ cung kính mời hai vị nọ ngồi, rồi mỉm cười phân tích những điều tệ hại của những kẻ được gọi là hiền sĩ, những thủ đoạn bỉ ổi của những kẻ được tôn xưng là cao quý, sau đó hùng biện tác dụng của thuật số và chí hướng tinh thần của thuật sĩ. Ông cao hứng biện bạch làm cho hai vị khách quý nghe xong phải thán phục ra về.